Nhận Demo
Nhận Demo

Đừng quá lạc quan vào tương lai của thực tế ảo

2019-02-27 05:55:48

Chúng ta không thể phủ nhận rằng công nghệ thực tế ảo đã dần rút ngắn khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo. Công nghệ thực tế ảo (VR) đem đến nhiều thay đổi tích cực cho xã hội trong các lĩnh vực khác nhau. Nhưng thực tế ảo cũng giống như các công nghệ khác, chúng ta cũng cần để tâm đến các vấn đề đạo đức đang tiềm ẩn, những tác hại nếu như quá đắm chìm vào thế giới ảo. Trong bài viết này, Tourzy sẽ mang đến bạn đọc những điều cần suy xét khi chúng ta đang nghiễm nhiên trở nên lạc quan hơn vào tương lai của thực tế ảo.

1. Thực tế ảo là gì?

Thực tế ảo (Virtual Reality - VR) là thuật ngữ dùng để miêu tả môi trường được mô phỏng bằng một hệ thống máy tính có cấu hình cao và người dùng có thể cảm nhận môi trường này một cách chân thực nhờ vào kính thực tế ảo (kính ba chiều). Đa phần các môi trường thực tế ảo là hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính và thông qua kính VR, tuy nhiên cũng có một vài mô phỏng khác có hỗ trợ âm thanh hoặc xúc giác. 
Nhờ vào khả năng phản hồi theo thời gian thực nên hệ thống VR có khả năng tái tạo và biến đổi môi trường 3D cho phù hợp với hoàn cảnh của người dùng. Con người sẽ ra quyết định cho việc thay đổi môi trường bằng hành động hoặc suy nghĩ của mình, các cảm biến sẽ thu nhận tín hiệu và đưa vào máy tính phân tích và cho ra môi trường ảo mới phù hợp theo thuật toán được lập trình sẵn. 

Môi trường thực tế ảo có khả năng biến đổi phụ thuộc vào người dùng
Môi trường thực tế ảo có khả năng biến đổi phụ thuộc vào người dùng

Ví dụ: Khi bạn chơi một tựa game VR nào đó, khi bạn xoay hướng nhìn thì khung cảnh trong game mà bạn cảm nhận được cũng thay đổi như vậy. Khi bạn chạy cử động, chạy hay thở gấp thì sức mạnh tương ứng của nhân vật trong game cũng giảm sút. 
Hệ thống thực tế ảo gồm 5 thành phần chính đó là: Phần cứng (HW), phần mềm (SW), mạng liên kết, người dùng thực tế ảo và các ứng dụng. Những thành phần chính và quan trọng nhất của thực tế ảo là: phần cứng, phần mềm và các ứng dụng. 

2. Nhược điểm của thực tế ảo

Thực tế ảo thực sự là một “ miền đất hứa” đem lại nhiều ứng dụng và sự phát triển tốt hơn trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của xã hội. Mặc dù vậy, thực tế ảo cũng có những vấn đề và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hãy xem qua những vấn đề mà có thể bạn sẽ phải lưu tâm trước khi quá đắm chìm hay lạc quan về tương lai của thực tế ảo.

  • Công nghệ không dành cho tất cả

Công ty khảo sát Gartner đã đưa ra nhận định của mình rằng chỉ có dưới 1% trong số 1,43 tỉ chiếc máy tính trên toàn thế giới có thể đáp ứng được nhu cầu về đồ họa cho ngành công nghiệp thực tế ảo. Hầu hết máy tính dùng cho thực tế ảo đều là máy tính cao cấp và giá cả của chúng thì không hề dễ chịu chút nào.

Ví dụ điển hình, Oculus đề nghị một chiếc card đồ họa có giá 280 USD, như vậy, những phần còn lại của máy tính khi cộng hết lại sẽ có giá ngàn đô, đó là chưa kế đến giá của chiếc kính VR. Hơn nữa, nhu cầu nâng cấp phần cứng thưc tế ảo luôn song hành để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng, điển hình như Sony chuẩn bị cho ra mắt thiết bị thực tế ảo trên Playstation được cải thiện về đồ họa và sức mạnh, mang lại trải nghiệm VR mượt mà hơn. 


Không chịu thua, Microsoft đã lên kế hoạch nâng cấp chiếc Xbox One với chức năng chơi game 4K và có chức năng làm kính thực tế ảo như Oculus Rift.  Như vậy có thể thấy rằng, không phải ai cũng có thể có cơ hội được chìm đắm vào thực tế ảo, tất cả mới chỉ là bước khởi đầu, mới ra mắt hoặc đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, và bạn cũng biết đấy, thiết bị thực tế ảo có giá quá tầm với của đa số người dùng phổ thông. 


Mẫu kính thực tế ảo Oculus Rift với mức giá gần 20 triệu đồng không phải là mức giá phù hợp với số đông

Mẫu kính thực tế ảo Oculus Rift với mức giá gần 20 triệu đồng không phải là mức giá phù hợp với số đông

  • Có khả năng tác động xấu đến sức khỏe con người

Có một số tin tức lan truyền rằng thực tế ảo tác động không tốt đến sức khỏe của con người, gây ra các chứng như: đau đầu, mắt mờ, buồn nôn. Tuy nhiên, tác động đến sức khỏe con người của VR vẫn chưa thực sự được làm rõ, có những tác dụng phụ được cho rằng chỉ là tạm thời nhưng tác động lâu dài thì chưa có nhiều nghiên cứu và hầu hết còn rất khan hiếm. Các công ty nghiên cứu và sản xuất thiết bị thực tế ảo cũng rất lưu tâm đến vấn đề này, họ thường đưa ra các cảnh báo cho người dùng để hạn chế gặp phải những rắc rối về pháp lý. 

Kính thực tế ảo có thể gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt
Kính thực tế ảo có thể gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt

Tài liệu sức khỏe của Oculus Rift có liệt kê những nguy cơ có thể xảy ra với người dùng như: động kinh, mất nhận thức, mỏi mắt, co giật cơ hoặc co giật mắt, chuyển động vô thức, mắt mờ hoặc biến đổi về thị giác, hoa mắt chóng mặt, mất phương hướng hoặc mất thăng bằng, suy giảm sự phối hợp giữa tay và mắt, đổ nhiều mồ hôi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, mê sảng, khó ở hoặc đau đầu, mệt mỏi, thẫn thờ, tinh thần uể oải. Ouculus cũng khuyến cáo người dùng nên dành thời gian nghỉ ngơi tối thiểu từ 10-15 phút sau mỗi 30 phút sử dụng kính thực tế ảo, ngay cả khi bạn không cảm thấy mỏi mắt.

  • Chưa có nhiều khả năng thu hút những người không chơi game

Đối với các game thủ thì thực tế ảo rất đáng để trải nghiệm, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi game thủ đều có khả năng mua kính thực tế ảo, nhưng hầu hết trong số họ đều có hứng thú với việc trải nghiệm công nghệ này. Tuy nhiên, đối với người không chơi game hoặc không có hứng thú với việc chơi game trên smartphone có thực sự quan tâm đến thực tế ảo? Các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, giải trí và chăm sóc sức khỏe có được thuyết phục bởi thực tế ảo hay không?

Đó vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn, tiềm năng của các sản phẩm thực tế ảo vẫn còn nhiều ẩn số. Người dùng có thể được chìm đắm vào các trò chơi điện tử hay phim ảnh, nhưng liệu có phải tất cả mọi người đều cần thiết hoặc mong muốn chìm đắm vào một bộ phim hay trò chơi thay vì trải nghiệm hình ảnh trên một màn hình lớn hơn?

Giáo dục cũng đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo, từ các lớp học cho đến huấn luyện công nhân trong các ngành công nghiệp, nhưng ứng dụng VR đại trà có vẻ vẫn còn nhiều thử thách và sẽ tốn thời gian trước khi được công chúng đón nhận. 

Thực tế ảo mới thu hút đa số đối tượng người dùng là game thủ
Thực tế ảo mới thu hút đa số đối tượng người dùng là game thủ 

  • Chưa mang lại lợi nhuận cụ thể và chưa có tính hứa hẹn về một tương lai bền vững

Các nhà đầu tư sẽ luôn quan tâm đến những ngành công nghiệp, những dự án có thể sinh lời nhanh chóng khi đầu tư vào. Đã có khá nhiều các nhà đầu tư bỏ vốn của mình vào VR nhưng có lẽ họ cần kiên nhẫn trước khi số tiền của họ được sinh lời. Hơn nữa, thực tế ảo sẽ không trở thành công cụ kiếm tiền đáng tin cậy trước khi nó trở thành một loại hình công nghệ chủ đạo, để đạt được mục tiêu này, VR cần được quảng cáo và truyền thông khá nhiều. 

Chưa thể khẳng định được VR liệu có thành công thật sự và mang về lợi nhuận bao nhiêu
Chưa thể khẳng định được VR liệu có thành công thật sự và mang về lợi nhuận bao nhiêu

Hiện tại còn quá sớm để có thể khẳng định liệu VR có thể thành công hay không mặc dù đã có rất nhiều hứa hẹn về ứng dụng của công nghệ này. Có rất nhiều ý kiến cho rằng VR sẽ thành công, nó là sự mới lạ và không giống bất kì công nghệ nào mà người dùng từng trải nghiệm. Và công nghệ sẽ ngày càng phát triển nên VR sẽ có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến, có giá cả phải chăng hơn và phục vụ được nhiều người sử dụng hơn. 
Thế nhưng cũng có quan điểm trái chiều cho rằng, 3D Smart TV đã từng thất bại dù nó được đầu tư và cường điệu hóa rất nhiều, cuối cùng nó vẫn là một sản phẩm thất bại nặng nề. Vậy tại sao TV 3D lại thất bại? Người tiêu dùng không thích hay cảm thấy không cần? Liệu VR có thể vượt qua được trận chiến khó khăn khi muốn tấn công vào tâm lý người dùng?


Ngoài ra, thực tế ảo cũng nảy sinh những vấn đề về đạo đức cần được lưu tâm, cụ thể:

  • Thực tế ảo dễ gây ra sự tổn thương cho người dùng

Thực tế ảo gắn liền với người dùng bằng hình ảnh chiếc tai nghe cồng kềnh tích hợp chiếc kính để che mắt và tai người dùng, mang lại cho họ cảm giác chân thực khi trải nghiệm VR. Ngoài ra, còn xuất hiện găng tay thực tế ảo và một số những phụ kiện và phụ tùng khác. Tai nghe VR đem lại cảm giác giống như thật cho người dùng nên có thể gây ra sự mất tập trung với xung quanh.

Ví dụ, bạn sử dụng tai nghe thực tế ảo khi ở nhà một mình, lúc đó bạn sẽ không thể sử dụng các giác quan của mình để cảm nhận thế giới bên ngoài, đôi khi có thể xảy ra những tình huống nguy hiểm như trộm cắp, cháy nổ mà người dùng không hề hay biết. 

Sử dụng thực tế ảo có thể khiến người dùng xao lãng môi trường xung quanh
Sử dụng thực tế ảo có thể khiến người dùng xao lãng môi trường xung quanh

  • Thực tế ảo gây ra sự cô lập trong xã hội

Có rất nhiều các cuộc tranh luận về việc thực tế ảo có thể gây cô lập một cá nhân với xã hội, toàn bộ các trải nghiệm đều có sẵn và diễn ra trong tầm nhìn của người dùng nên họ không cần phải giao tiếp với ai. Facebook cũng đã hỗ trợ tạo ra không gian thực tế ảo dành cho hội họp chung (điển hình là Spaces). Công nghệ này có vẻ rất được người hướng nội hay người cô đơn ưa chuộng, thế nhưng về lâu dài, nó có thể gây ra sự lười biếng hoặc trốn tránh các vấn đề trong thực tế.

Một số ý kiến cho rằng các mạng xã hội như Spaces có thể khiến cho người dùng quên đi sự tồn tại của xã hội thực tại, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng mạng xã hội có thể gây ra cảm giác bị cô lập xã hội, tội lỗi hoặc chán nản. Việc tương tác mặt đối mặt là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì tinh thần khỏe mạnh cho con người và thực tế ảo không thể nào thay thế được giao tiếp một cách trực tiếp. 

Thực tế ảo không thể thay thế được giao tiếp trực tiếp
Thực tế ảo không thể thay thế được giao tiếp trực tiếp

  • Thực tế ảo gây ra sự vô cảm đối với thế giới thực

Bạn biết đấy, nếu thường xuyên đắm chìm vào thế giới ảo, bạn có khả năng quên đi cuộc sống thực tại đang diễn ra như thế nào và biến con người trở thành những người lãnh cảm. Công nghệ thực tế ảo đã từng được sử dụng như công cụ giúp giảm cảm xúc tiêu cực trước các ám ảnh cá nhân và thậm chí được dùng trong huấn luyện và chiến đấu quân sự. Tuy nhiên việc lạm dụng thực tế ảo vô cùng nguy hiểm, việc chơi các game bạo lực trong thế giới VR khiến người dùng có thể cảm thấy các hành vi bạo lực là bình thường ở thế giới thật. 

Người dùng sẽ bị thích nghi với những hành động bạo lực hoặc phạm tội trong thế giới ảo
Người dùng sẽ bị thích nghi với những hành động bạo lực hoặc phạm tội trong thế giới ảo

  • Thực tế ảo khiến người dùng ảo tưởng về năng lực của bản thân

Việc sử dụng thực tế ảo khiến người dùng ảo tưởng về năng lực bản thân cũng là một trong những nguy cơ. Vấn đề này thường xảy ra ở những người trẻ tuổi, họ có thể có rằng những khả năng họ thực hiện được trong thế giới ảo như đi bộ, bay lượn hay lái xe hơi,...thì họ cũng có thể thực hiện tương tự trong thế giới thực. 
Một nghiên cứu được thực hiện bởi đại học Stanford của Mỹ đã chứng minh rằng, khi cho trẻ em trải nghiệm thực ảo thì chúng không thể phân biệt được những kỹ năng trong thế giới thực và ảo. Từ việc chúng đối xử với nhân vật thực tế ảo tương tự như cách chúng chăm sóc thân thể thực tế của chúng hay cách chũng nghĩ nhân vật trong thế giới ảo là những người có thật. 

Thực tế ảo có thể khiến người dùng nghĩ mình thực sự có những khả năng phi thường trong thế giới thực
Thực tế ảo có thể khiến người dùng nghĩ mình thực sự có những khả năng phi thường trong thế giới thực

  • Tiềm ẩn nguy cơ gây ra bệnh tâm thần

Một số người dùng có thể bị ảnh hưởng tâm lý sâu sắc và nguy hiểm hơn, các chuyên gia về thần kinh học và tâm lý học đã bàn đến vấn đề “thoái hóa nhân cách” khi người dùng cho rằng cơ thể họ là một phiên bản ảo. Nhiều người lo lắng thực tế ảo có thể gây ra bệnh tâm thần, một số ý kiến còn cho rằng các trò chơi thực tế ảo có thể gây ra chứng rối loạn căng thẳng tột độ. Như vậy, chúng ta cần xác định trước các rủi ro và các triệu chứng về tâm lý mà thực tế ảo gây ra cho con người trước khi thực tế ảo được đưa vào sử dụng đại trà. 

Thực tế ảo có thể gây ra những căng thẳng về thần kinh
Thực tế ảo có thể gây ra những căng thẳng về thần kinh 

  • Thực tế ảo khiến người dùng lạm dụng những văn hóa phẩm không lành mạnh

Ngành công nghiệp điện ảnh sẽ là một ứng dụng mũi nhọn của thực tế ảo, thế nhưng phải kể đến thể loại phim người lớn, đây được dự đoán là lĩnh vực thực tế ảo lớn thứ ba vào năm 2015, sau game và các nội dung liên quan đến bóng bầu dục. Trang web giải trí cho người lớn hàng đầu thế giới Pornhub đã báo cáo lượng người xem thực tế ảo đã tăng lên 225% kể từ khi ra mắt vào năm 2016. Điều này có thể gây ra sự lạm dụng phim người lớn một cách quá mức, và câu hỏi đặt ra là liệu những thước phim khiêu dâm giống y như thật có ảnh hưởng đến đạo đức của con người và ảnh hướng đến sự giáo dục của trẻ nhỏ hay không?

Những nội dung không lành mạnh được đưa vào thực tế ảo sẽ ảnh hưởng đến lứa tuổi học sinh
Những nội dung không lành mạnh được đưa vào thực tế ảo sẽ ảnh hưởng đến lứa tuổi học sinh

  • Thực tế ảo có thể tra tấn tội phạm ảo

Philosopher Thomas Metzinger là một trong những người đưa ra quan điểm có thể sử dụng tai nghe VR như một hình thức tra khảo một cách “có đạo đức” đối với tội phạm. Tuy nhiên, việc sử dụng tra tấn bằng cách ứng dụng VR có thể gây ra sự đau đớn, bạo lực và chấn thương tâm lý cho tội phạm, mà chỉ khi tội phạm ổn định về tâm lý họ mới có thể thành thật và có suy nghĩ sửa đổi những việc làm sai trái. 

Công nghệ VR có thể bị lạm dụng để tra tấn tội phạm bằng việc tạo ra các khung cảnh rùng rợn
Công nghệ VR có thể bị lạm dụng để tra tấn tội phạm bằng việc tạo ra các khung cảnh rùng rợn

  • Thực tế ảo thao túng người dùng

Không thể chối bỏ một điều là những thủ đoạn quảng cáo đang thao túng chúng ta, họ làm chúng ta xao lãng sự tập trung vào công việc bằng các hình ảnh, video, thông điệp, những bài viết thú vị và tất cả những điều khác. Với thực tế ảo, các nhà quảng cáo thương mại sẽ thu thập thông tin cá nhân và có quyền truy cập vào toàn bộ môi trường xung quanh ta, một số nhà tâm lý học còn cho rằng họ có quyền kiểm soát một số hành vi của chúng ta. Việc này giúp tăng doanh thu cho các nhà phát triển vì còn nhiều không gian trống để bán cho các doanh nghiệp quảng cáo khác. 

VR có thể truy cập được các thông tin mà chúng ta cung cấp và khai thác chúng để làm lợi cho ngành công nghiệp này
VR có thể truy cập được các thông tin mà chúng ta cung cấp và khai thác chúng để làm lợi cho ngành công nghiệp này

  • Thực tế ảo giúp người dùng tự do di chuyển

Công nghệ thực tế ảo thú vị ở chỗ nó cho phép chúng ta chu du khắp thế giới giống như thật, đây cũng là một lợi ích tuyệt vời dành cho những người không có điều kiện để đi du lịch nhiều nơi. Tuy nhiên, những nơi nào nên được tạo ra trong thực tế ảo để trải nghiệm lại là một vấn đề cần được lưu tâm. Liệu có tốt không khi chúng ta tò mò và đi lang thang trong nhà của một người nổi tiếng mà chúng ta yêu thích? Có lẽ đó là sự không phù hợp, nhưng đó là khả năng của thực tế ảo mà bạn có thể sẽ được trải nghiệm. 

VR cho phép người dùng được tự do khám phá những nơi họ chưa có cơ hội đặt chân tới, thế nhưng cần có sự giới hạn
VR cho phép người dùng được tự do khám phá những nơi họ chưa có cơ hội đặt chân tới, thế nhưng cần có sự giới hạn

  • Thực tế ảo có nguy cơ đánh mất an toàn thông tin cá nhân

Cũng giống như bất kì một mạng xã hội nào mà chúng ta sử dụng, việc tham gia vào thực tế ảo cũng làm cho thông tin của bạn trở nên ít riêng tư hơn và đồng nghĩa với việc thông tin cá nhân sẽ khó được bảo mật hơn. Các nhà nghiên cứu Đức đã chỉ ra một mối lo ngại rằng nếu nhân vật ảo phản ánh những hành động và cử chỉ trong thế giới thực của chúng ta thì ngoại hình, dấu vân tay hay chữ kí của chúng ta có thể sẽ bị theo dõi. Như vậy, cần có một công bố chính thức liên quan đến việc VR có thể có quyền thu thập và không có quyền thu thập những thông tin gì của người dùng. 

Thông tin người dùng có thể bị thu thập và bị đánh cắp trong quá trình sử dụng thực tế ảo
Thông tin người dùng có thể bị thu thập và bị đánh cắp trong quá trình sử dụng thực tế ảo

3. Kết luận về thực tế ảo

Mặc dù có có nhiều vấn đề đáng lo ngại nhưng chúng ta không thể phủ nhận ứng dụng của công nghệ thực tế ảo đã mang lại rất nhiều thay đổi tích cực cho thế giới thực ở các lĩnh vực như: game, phim ảnh, y học quân sự,... Thực tế ảo đã giúp rút ngắn khoảng cách về không gian, thời gian và cho phép người dùng trải nghiệm những thứ mà nếu không có thực tế ảo có lẽ họ sẽ không có cơ hội trải nghiệm. 

Sử dụng kính VR đúng cách thức với mục đích phù hợp giúp bạn hạn chế những nguy cơ tổn hại cơ thể
Sử dụng kính VR đúng cách thức với mục đích phù hợp giúp bạn hạn chế những nguy cơ tổn hại cơ thể

Để không gặp phải những nguy cơ đáng tiếc khi tiếp cận với thực tế ảo, bạn cần sử dụng đúng mục đích và đúng cách thức. Nên chọn những mẫu kính thực tế ảo phù hợp, trải nghiệm kết hợp với nghỉ ngơi thư giãn mắt, không nên lạm dụng thực tế ảo trong thời gian dài.

Đặc biệt, với đối tượng người dùng nhỏ tuổi, phụ huynh cần thật sự cân nhắc và cẩn thận khi cho các bạn nhỏ tiếp xúc với công nghệ thực tế ảo và sử dụng kính thực tế ảo, vì mắt trẻ em đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện các chức năng nên vô cùng nhạy cảm. Việc học tập, xem truyền hình, vui chơi,... mỗi ngày đã khiến mắt các em phải điều tiết khá nhiều, khi tiếp xúc với thực tế ảo sẽ khiến mắt phải điều tiết quá tải.

Chưa kể trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại kính thực tế ảo khác nhau có giá thành từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Do vậy khó có thể tránh được việc người dùng sử dụng phải những loại kính kém chất lượng và nguy hại, gây các bệnh về mắt.

Hãy sử dụng thực tế ảo một cách an toàn và hiệu quản bạn nhé !!!

Ảnh: CHITK
Bài viết: CHITK

Thêm bình luận

    Hiện chưa có bình luận nào cho bài viết này!

Từ khóa liên quan