Nhận Demo
Nhận Demo

VR là gì? AR là gì? VR và AR khác nhau như thế nào?

2019-01-29 04:29:15

Trong những năm gần đây, thuật ngữ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) được giới công nghệ nhắc đến rất nhiều và đang dần trở thành xu hướng. Công nghệ AR và VR cũng được phổ biến và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, tuy nhiên, vì tính đặc thù công nghệ mà còn rất nhiều người còn đang mơ hồ về lĩnh vực này. Hãy cũng Tourzy đi tìm hiểu VR là gì, AR là gì và so sánh những điểm giống và khác nhau giữa hai công nghệ này.

1. Thực tế ảo (VR) là gì?

Thực tế ảo mang lại trải nghiệm vô cùng chân thực cho người xem

Thực tế ảo mang lại trải nghiệm vô cùng chân thực cho người xem

Thực tế ảo (Virtual Reality-VR) là thuật ngữ chỉ môi trường được con người tạo ra gọi là môi trường giả lập. Các môi trường giả lập này được thiết kế thông qua việc ứng dụng các phần mềm chuyên dụng, được hiển thị qua màn hình máy tính hoặc các mẫu kính thực tế ảo để đem lại trải nghiệm chân thực cho người xem như họ đang thực sự ở trong khoảng không gian đó. Thực tế ảo còn có thể được hiểu là sự kết hợp của hai khái niệm “Thực tế” và “Ảo”. Thực tế là những thứ mà con người trải nghiệm trong thế giới thật, “Ảo” là những thứ được tạo ra do trí tưởng tượng. Từ đó có thể thấy, thực tế ảo là trải nghiệm cảm giác gần giống ở thế giới thực nhưng ở không gian đa chiều được tạo bởi máy tính. Ngoài việc tương tác với người dùng bằng hình ảnh ảo, công nghệ thực tế ảo (VR) còn tương tác qua thính giác, khứu giác và xúc giác của người dùng. 

Công nghệ thực tế ảo vốn đã được nhen nhóm phát triển từ những năm 1990, nhưng hầu hết các dự án VR thời gian đó đều thất bại vì các lý do như: chi phí đắt đỏ, sức xử lý của máy tính chưa mạnh, cộng đồng người dùng chưa có nhiều và cuối cùng là trải nghiệm chưa thực sự tốt. Khoảng hai năm trở lại đây, công nghệ thực tế ảo mới được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi. Hệ thống của một công nghệ thực tế ảo bao gồm 2 thành phần chính: phần mềm và phần cứng.

Phần mềm thực tế ảo 

Phần mềm thực tế ảo có tác dụng tạo hình và mô phỏng đối tượng mẫu

Phần mềm thực tế ảo có tác dụng tạo hình và mô phỏng đối tượng mẫu

Phần mềm là linh hồn của thực tế ảo, phần mềm có tác dụng tạo hình mẫu và mô phỏng hình mẫu.  Các đối tượng trong thực tế ảo sẽ được xử lý bởi phần mềm và được mô hình hóa, sau đó được mô phỏng động học, động lực học và mô phỏng ứng xử như mô đối tượng trong thực tế. Trong phần mềm thực tế ảo, người ta thường dùng các ngôn ngữ lập trình như: OpenGL, C++, Java3D, VRML, X3D,…và các phần mềm đồ họa: WorldToolKit, PeopleShop,…
Phần mềm thực tế ảo luôn phải đảm bảo hai nhiệm vụ chính đó là tạo hình và mô  phỏng, các đối tượng của thực tế ảo được mô hình hóa nhờ các phần mềm hoặc được chuyển từ các mô hình 3D bằng cách sử dụng các phần mềm đồ họa như: AutoCAD, 3D Studio, 3Ds Max…. Sau đó phần mềm thực tế ảo cần mô phỏng động học, động lực học và cách ứng xử của đối tượng. 

Phần cứng thực tế ảo

Phần cứng của thực tế ảo bao gồm:
Máy tính với cấu hình đồ họa mạnh
Các thiết bị đầu vào: Gồm những thiết bị có khả năng ghi nhận nơi người sử dụng đang nhìn vào hoặc hướng tới như: Bộ dò vị trí (position tracking) để xác định vị trí quan sát. Bộ giao diện định vị (Navigation interfaces) để di chuyển vị trí người sử dụng. Bộ giao diện cử chỉ (Gesture interfaces) như găng tay dữ liệu (data glove) để người sử dụng có thể điều khiển đối tượng.
Các thiết bị đầu ra: Gồm những thiết bị có khả năng kích thích giác quan, tạo nên cảm giác về sự hiện hữu trong thế giới ảo, bao gồm:

Kính thực tế ảo là một bộ phận của phần cứng thực tế ảo

Kính thực tế ảo là một bộ phận của phần cứng thực tế ảo

- Hiển thị đồ họa: Bao gồm các loại màn hình, HDM, các mẫu kính thực tế ảo,... với cơ chế làm việc của thực tế ảo thì sẽ có 2 thấu kính trong thiết bị, 2 thấu kính này sẽ chiếu 2 hình ảnh hơi khác nhau về góc độ nhau cho mỗi bên mắt, từ đó tạo ra cảm giác 3D cho người xem. Vì mắt người bình thường có góc nhìn lên tới 120 độ nên chiếc kính có góc độ cao sẽ mang lại cảm giác chân thực hơn khi xem. 
- Thiết bị âm thanh: chủ yếu là dùng loa, nếu muốn nghe âm thanh vòm thì công nghệ VR sẽ được trang bị hệ thống âm thanh như: Hi-Fi, Surround,...Bộ phản hồi cảm giác (Haptic feedback như găng tay,..) để tạo xúc giác khi sờ, nắm đối tượng. Bộ phản hồi xung lực (Force Feedback) để tạo lực tác động như khi đạp xe, đi đường xóc,…

Những đặc trưng của công nghệ thực tế ảo (VR)

Người xem sẽ nhận thấy được sự thay đổi khung cảnh thông qua hình mẫu được mô phỏng

Người xem sẽ nhận thấy được sự thay đổi khung cảnh thông qua hình mẫu được mô phỏng

Tương tác thời gian thực: Máy tính có kết nối công nghệ thực tế ảo có thể nhận biết tín hiệu của người dùng và thay đổi khung cảnh trong thế giới ảo. Người dùng có thể nhìn thấy sự vật thay đổi trên màn hình theo ý muốn của mình và mô hình mô phỏng này sẽ thu hút sự chú ý của người sử dụng. 

Người xem sẽ bị đắm chìm trong thế giới đồ họa 3D của VR
 
Người xem sẽ bị đắm chìm trong thế giới đồ họa 3D của VR

Tạo cảm giác đắm chìm: Đây là một hiệu ứng của thực tế ảo tạo cho người sử dụng khả năng tập trung sự chú ý của mình vào những thông tin từ hệ thống thực tế ảo. Nó khiến cho người dùng cảm nhận họ là một phần trong thế giới ảo và đang hòa mình vào thế giới đó. Thực tế ảo còn giúp cảm giác này trở nên mạnh mẽ hơn nhờ tác động vào các cảm giác như khi người dùng nhìn thấy đối tượng đồ họa 3D, điều khiển được đối tượng và cảm nhận chúng như chúng đang tồn tại thực sự trong thực tế. Thực tế ảo còn đang được phát triển lên mức độ cao hơn để tạo những cảm giác khác như ngửi mùi, nếm vị  trong thế giới ảo. 

Người dùng tương tác với thế giới ảo

Người dùng tương tác với thế giới ảo

Tính tương tác: Tính tương tác trong thực tế ảo được xét qua hai khía cạnh đó là sự du hành bên trong thế giới ảo và động lực học của môi trường. Sự du hành bên trong thế giới ảo là khả năng di chuyển khắp nơi của người dùng thực tế ảo như đang ở trong một môi trường thật. Nhà phát triển các phần mềm thực tế ảo có thể thiết lập những môi trường ảo và thiết lập áp đặt hoặc sự tự do để người dùng tiếp cận các môi trường khác nhau như: dưới đại dương, vào vũ trụ, bay trên không trung,...Ở khía cạnh khác là động lực học của môi trường, việc quan sát cảnh tượng người dùng thực tế ảo thông qua đôi mắt của người khác, động lực học môi trường cũng là các quy tắc về cách thức con người và sự vật tương tác với nhau trong một trật tự để trao đổi năng lượng hoặc trao đổi thông tin. 

Các mạng xã hội cho phép xem, chia sẻ và trải nghiệm VR:

Mạng xã hội thực tế ảo Facebook Spaces

Mạng xã hội thực tế ảo Facebook Spaces

Facebook Spaces: Sau khi mua lại Oculus, Facebook đã đầu tư lớn vào thực tế ảo. Mạng xã hội Facebook Spaces hiện chỉ hỗ trợ người dùng Oculus Rift, người dùng có thể kết nối tài khoản Facebook của mình với hệ sinh thái Oculus và chìm vào một không gian âm thanh, ngôn ngữ cơ thể và tin nhắn. Bên trong ứng dụng, tối đa 4 người có thể đăng nhập tài khoản Facebook, truy cập một không gian riêng.  Ở đây, người dùng có thể chat, xem video 360 độ và thực hiện cuộc gọi video, chụp ảnh selfie cho nhân vật hoạt hình đại diện cho mình, các nhân vật này tạo ra từ dữ liệu và các bức ảnh người dùng được tag. Người dùng cũng có thể thay đổi được môi trường xung quanh với các tùy chọn có sẵn hoặc có thể lựa chọn một bức hình 360 độ từng đăng tải trên Facebook để biến nó trở thành môi trường ảo. Facebook Spaces là một cách thú vị để bạn nhớ lại những địa điểm đã từng đến hoặc những kỉ niệm trong quá khứ. 

Google Arts and Culture

Ứng dụng khám phá nghệ thuật nhờ vào công nghệ VR - Google Arts and Culture

Ứng dụng khám phá nghệ thuật nhờ vào công nghệ VR - Google Arts and Culture

Đây là ứng dụng được Google xây dựng giúp mang lại trải nghiệm về không gian nghệ thuật và văn hóa cho người dùng, khi gia nhập mạng xã hội này, bạn có cơ hội được tham quan những chuyến tham quan ảo đến hơn 1.200 viện bảo tàng nổi tiếng trên khắp thế giới.

Youtube và Youtube VR

Youtube hiện đã hỗ trợ người dùng trải nghiệm những video 360 độ trên Youtube, người dùng có thể sử dụng các loại kính thực tế ảo như Cardboard, Daydream hoặc Gear VR để xem video thực tế ảo, trên màn hình sẽ có biểu tượng cardboard, chỉ cần nhấn vào biểu tượng là bạn có thể trải nghiệm. 

Video trên Youtube VR dành cho những mẫu kính thực tế ảo được Google sản xuất

Video trên Youtube VR dành cho những mẫu kính thực tế ảo được Google sản xuất

Sau này, Google đã cho ra mắt Youtube VR để dành cho những thiết bị thực tế ảo do Google sản xuất để nâng cao trải nghiệm về thực tế ảo của người dùng trên Youtube. Youtube VR không chỉ mang đến những đoạn video VR thú vị mà còn mang đến nhiều nét mới mẻ trong việc điều khiển video. 
Next VR

Cảnh một trận đấu thể thao được quan sát qua Next VR
Cảnh một trận đấu thể thao được quan sát qua Next VR

Next VR hướng đến những sự kiện lớn phát sóng trực tiếp, ứng dụng này cho phép người dùng xem các sự kiện thể thao hoặc âm nhạc với những cảnh quay lạ mắt và những đoạn video hậu trường. 

Within VR

Các tin tức hoặc video VR mà người dùng có thể lựa chọn xem thông qua within VR

Các tin tức hoặc video VR mà người dùng có thể lựa chọn xem thông qua within VR

Đây là ứng dụng mang đến cho người dùng những nội dung từ thực tế cho đến huyền ảo, là đối tác của Apple, The News York Times, NBC, Vice, U2, Muse và One Republic khiến Within VR có khối lượng nội dung thực tế ảo vô cùng đa dạng và hiện ứng dụng còn đang nghiên cứu bổ sung thêm những nội dung mang tính huyền ảo. 

End Space VR

End Space VR là trò chơi thực tế ảo lấy nền là không gian vũ trụ

End Space VR là trò chơi thực tế ảo lấy nền là không gian vũ trụ

Trong ứng dụng này, người dùng sẽ được trải nghiệm cảm giác điều khiển một con tàu vũ trụ, bạn phải luồn lách qua những trận chiến vô cùng khắc nghiệt ngoài không gian, độ khó của trò chơi sẽ tăng lên theo thời gian và ứng dụng cũng cho phép bạn nâng cấp tàu và vũ khí của mình để phục vụ chiến đấu. 

Virtual Virtual reality

 Virtual Virtual reality

Đây là trò chơi xây dựng không gian dành riêng cho người dùng Google Daydream, ứng dụng này mở ra sự tương tác giữa người thật và thế giới ảo, với nền màu tối và những khung cảnh ấn tượng, ứng dụng trò chơi này thực sự thu hút người dùng. 

Minecraft Gear VR Edition

Minecraft Gear VR Edition

Minecraft là một tựa game đã vô cùng hot trên toàn cầu, hiện nay đã có phiên bản không gian ảo VR giúp người chơi có thêm trải nghiệm về chế độ chiến đấu và trải nghiệm âm thanh 3D chân thực, phiên bản VR cũng cho phép bạn chơi với bạn bè trong chế độ co-op mode. 

Cách quay video thực tế ảo

Quay video VR là hình thức chụp hoặc ghi lại hình ảnh của mọi hướng xung quanh camera trong cùng một thời điểm, được tạo ra bởi một hệ thống các camera, người xem có thể dùng chuột để di chuyển chậm (trên máy tính) hoặc xoay hướng dựa vào cử chỉ (trên điện thoại) để nhìn được tất cả các góc của video VR. 
Chuẩn bị dụng cụ quay video VR: 

Quay video VR 360 dưới đáy đại dương

Quay video VR 360 dưới đáy đại dương


Máy quay: Nên sử dụng máy quay đảm bảo thu hình tốt và hình ảnh rõ nét để sau khi ghi hình vẫn giữ được chất lượng video cao. 

Cài đặt các thông số để quay video VR: Bạn nên sử dụng chế độ quay thủ công, tắt cân bằng trắng, ISO và nhiệt độ màu để đảm bảo chất lượng lên hình chuẩn nhất. 

Chuẩn bị Unipod làm chân giữ máy: Unipod có tác dụng giữ cho máy ảnh ổn định ở tất cả các lần và giúp bạn di chuyển dễ dàng trong khi quay video

Chọn góc quay phù hợp: Chọn được góc quay phù hợp sẽ giúp người nhìn có cảm giác xem video chân thực hơn, tốt nhất nên chọn góc quay ngang với tầm nhìn của người quay. 
 
Pin và thẻ nhớ SD: Pin và thẻ nhớ cần đảm bảo đủ dung lượng để quay video với thời lượng dài, quay video VR thường rất dễ bị lỗi trong những lần đầu, bạn nên chuẩn bị thật kĩ lưỡng. 

 Âm thanh: Để ghi lại được âm thanh tự nhiên và sống động nhất, bạn nên sử dụng microphone gắn ngoài thay vì dùng microphone của máy để đảm bảo chất lượng âm thanh tốt hơn. 

Hiện nay, video VR dần trở thành xu hướng khiến các công nghệ liên quan cũng phát triển vô cùng nhanh chóng, những thiết bị phục vụ cho việc quay video VR cũng ngày càng đa dạng, tân tiến và hiện đại, bạn có thể tham khảo các mẫu như:

Mẫu camera Gear 360 của Samsung

Mẫu camera Gear 360 của Samsung

Camera Gear 360 của Samsung: Nằm trong tầm giá khoảng 100 USD, Gear 360 cho phép tạo ra mọi kiểu video VR, livestream  phát video trực tiếp với ưu điểm là thiết kế gọn nhẹ, dễ cầm nắm. Đây là chiếc camera VR phù hợp cho tất cả mọi người, kể cả người mới sử dụng. 

Insta 360 ONE: Insta360 ONE có 11 chế độ khác nhau tạo cho video sự huyền ảo đẹp mắt, trong đó nổi bật là các chế độ hiệu ứng bullet time, FreeCapture, little planet mode, beauty camera,...Nó là một phương tiên tuyệt vời để ghi lại những video VR thú vị và có chức năng sản xuất video chuyên nghiệp phục vụ cho những người chuyên kiếm tiền bằng các phương tiện giải trí trên mạng xã hội. 
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy các loại camera VR tốt nhất theo từng phân khúc với những cái tên như: Yi 360 VR, GoPro Fusion,GoPro Fusion,...

Ứng dụng của VR 

VR hiện nay đang được ứng dụng vào đa dạng các lĩnh vực của đời sống như: khoa học kỹ thuật, kiến trúc, quân sự, du lịch giải trí (tour thực tế ảo), bất động sản,...VR cũng có thể phục vụ đa dạng các mục đích như nghiên cứu, giáo dục, thương mại và dịch vụ. Bên cạnh đó, VR cũng đã được ứng dụng rất nhiều vào lĩnh vực y học như: huấn luyện phẫu thuật cho y bác sĩ, giảm đau trong phẫu thuật, sử dụng trong vật lý trị liệu,...

Ứng dụng của VR vào các ca phẫu thuật
Ứng dụng của VR vào các ca phẫu thuật

Ứng dụng của VR vào trị liệu

Ứng dụng của VR vào trị liệu

Bên cạnh các ứng dụng truyền thống thì những ứng dụng mới nổi lên của VR đó là giả lập môi trường game, tương tác ảo. Khi đeo kính thực tế ảo, các game thủ sẽ trải nghiệm chơi game thực tế và thú vị hơn khi được trải nghiệm không gian 3D với góc nhìn rộng đến 110 độ so với góc nhìn trên màn hình máy tính chỉ 45 độ. 

VR ứng dụng vào các game tương tác ảo
VR ứng dụng vào các game tương tác ảo

2.Thực tế tăng cường (AR) là gì?

AR là viết tắt của cụm từ Augmented Reality (thực tế tăng cường), đây là sự kết hợp của những hình ảnh thực tế hiện hữu xung quanh bạn với thông tin ảo mà hoàn toàn không tách biệt thế giới thực và thế giới ảo như VR. AR giúp những hình ảnh thực tế mà bạn đang xem trở nên phong phú và đa dạng hơn với các hình ảnh ảo. Công nghệ AR sẽ bổ sung những chi tiết ảo được tạo ra nhờ máy tính hoặc smartphone. Người dùng có thể thỏa sức tương tác với những nội dung ảo ngay trong thế giới thực như: chạm, nắm bắt,... bạn có thể thấy một ví dụ điển hình của công nghệ AR được ứng dụng trong trò chơi Pokemon Go. Đây là một trò chơi, chứng tỏ nó là yếu tố ảo, tuy nhiên, bạn vẫn có thể di chuyển trong thế giới thực của mình, từ các con phố, văn phòng hoặc tại nhà mình,...mà vẫn có thể tham gia bắt những con Pokemon về bằng cách tương tác trên màn hình smartphone. Một ví dụ nữa là AR được ứng dụng tại một số cửa hàng thời trang, có một màn hình cho phép khách hàng có thể lựa chọn để thử những mẫu quần áo có trong cửa hàng và quan sát quần áo được mặc lên cơ thể trực tiếp trên màn hình mà không cần phải vào phòng thay đồ truyền thống.

Ứng dụng của AR trong trò chơi Pokemon Go  

Ứng dụng của AR trong trò chơi Pokemon Go 

Ứng dụng của AR trong ngành công nghiệp thời trang

Ứng dụng của AR trong ngành công nghiệp thời trang

Thiết bị AR nổi bật trong thời gian qua đó là chiếc kính Microsoft HoloLens, chiếc kính này có một lớp kính giúp bạn vẫn có thể nhìn được những sự vật ở thế giới bên ngoài mà không bị bịt kín hoàn toàn như các mẫu kính thực tế ảo, Microsoft HoloLens cũng dựng các hình ảnh ảo 3D rồi phủ lên những vật thể ngoài đời thực để bạn có thể tự do tương tác với những vật thể đó. Giá trị chính của thực tế tăng cường là nó đưa các thành phần của thế giới số vào nhận thức của một người về thế giới thực, và không phải như một màn hình hiển thị dữ liệu đơn giản mà thông qua việc tích hợp các cảm giác nhập vai được coi là những phần tự nhiên của một môi trường.

Thực tế tăng cường được sử dụng để tăng cường môi trường tự nhiên hoặc các tình huống thực tế và cung cấp trải nghiệm làm giàu cảm tính. Với sự trợ giúp của các công nghệ AR tiên tiến ( bổ sung tầm nhìn, nhận diện đối tượng máy tính) thông tin về thế giới thực xung quanh của người sử dụng sẽ mang đậm tính kĩ thuật số. 

3. So sánh sự khác nhau của AR và VR
 
Sự khác nhau đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy đó là thiết bị đi kèm của hai công nghệ này hoàn toàn khác nhau. Đối với VR, thiết bị đi kèm bạn cần phải là một chiếc kính thực tế ảo và bạn sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc kính này. Đối với công nghệ AR, bạn hoàn toàn không cần phải phụ thuộc vào thiết bị đặc thù như VR, ví dụ như trò chơi Pokemon Go, bạn chỉ cần dùng luôn chiếc smartphone của mình. 

Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường có nhiều điểm khác nhau

Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường có nhiều điểm khác nhau

AR cũng dễ dàng được áp dụng vào thực tế hơn trong khi VR thì thường áp dụng vào ngành giải trí hoặc phục vụ các trải nghiệm mới lạ. Cả 2 công nghệ này đều cho phép những trải nghiệm giải trí sẽ trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn. 
Về mức độ phổ biến, AR cũng phổ biến hơn so với VR, AR có thể xài được ngay bằng chiếc điện thoại thông minh do điện thoại đều đã có camera và các cảm biến để nhận biết thế giới bên ngoài, ngược lại, VR đòi hỏi người dùng phải có phần cứng mạnh mẽ mới có thể trải nghiệm, mà chi phí để mua sắm những thiết bị VR. Ở phân khúc giá rẻ ta có Google Cardboard từ 10 - 15 USD nhưng phân khúc cao hơn là những thiết bị cao cấp như: Oculus Rift khoảng 600 USD hay HTC Vive khoảng 800 USD. Ngoài ra những chiếc kính thực tế ảo còn đòi hỏi máy tính có cấu hình mạnh, chi phí cho máy tính thực sự lớn và không phải ai cũng có khả năng mua được. 
 
AR và VR khác nhau nhưng không phải là hai công nghệ đối thủ của nhau, mỗi công nghệ sẽ có ứng dụng riêng mà cái còn lại không làm được, nên hai công nghệ này vẫn sẽ tồn tại song song.Hiện tại thì AR vẫn chiếm thế thượng phong hơn về tính thương mại và mức độ phổ biến, còn VR mang tính đặc thù về công nghệ hơn nên cần có thời gian để phát triển và để các thiết bị có thể tiếp cận dễ dàng hơn với người dùng thì VR mới có thể xuất hiện rộng rãi. Nhìn chung, AR và VR đều là những công nghệ tuyệt vời đem lại cho người dùng những trải nghiệm và tương tác nhằm tạo ra sự mô phòng để giải trí và vui chơi hoặc để mang lại sự tương tác giữa thiết bị kĩ thuật số và thế giới thực. Không phải AR và VR luôn hoạt động độc lập mà thực chất thường được kết hợp với nhau để mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng. Cuối cùng, cho dù hoạt động độc lập hay kết hợp với nhau thì AR và VR đều mở ra cho người dùng thế giới thực và ảo vô cùng thú vị. 

AR và VR có xu hướng kết hợp với nhau

AR và VR có xu hướng kết hợp với nhau

Trên đây là những thông tin về công nghệ thực tế ảo  (VR) và công nghệ thực tế tăng cường (VR), hi vọng rằng những thông tin này đã giải đáp phần nào những thắc mắc của các bạn về hai loại công nghệ đang trở nên hot hơn bao giờ hết tron thời gian gần đây. Nếu có thêm những chia sẻ về AR và VR đừng quên chia sẻ cùng chúng tôi. 

Ảnh: CHITK
Bài viết: CHITK

Thêm bình luận

    Hiện chưa có bình luận nào cho bài viết này!

Từ khóa liên quan