Nhận Demo
Nhận Demo

Chùa Chrôi Tansa hay còn gọi là chùa Bãi Xào Giữa, tọa lạc ở ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 40 km về hướng Nam và cách thị trấn Trà Cú khoảng 05 km về hướng Tây Nam.

Chùa được tạo lập vào năm 1847 Dương lịch (Phật lịch 2391) do Phật tử trong ấp hiến đất và xây dựng gồm: ông Lý Pune, ông Nhang, ông Dương và bà Lâm Thị Se. Trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Thạch Khmao. Đến nay, chùa đã trải qua 16 đời hòa thượng, sư cả trụ trì và nhiều lần trùng tu sửa chữa. Cũng như những ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Chrôi Tansa có quần thể kiến trúc mang đặc trưng chùa Khmer Nam Bộ, gồm có: cổng chùa, chính điện, tăng xá, sala, trường học, tháp để cốt. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ như: sao, dầu, thốt nốt, bình linh, tạo nên một khung cảnh thoáng mát và yên tĩnh.

Trong kháng chiến, khuôn viên Chùa Bãi Xào Giữa có rất nhiều hầm bí mật được đào trong các lùm cây, bụi tre để cán bộ chiến sĩ ta ẩn tránh. Tăng xá, sala, trường học và ngay ở chính điện cũng là những địa điểm sinh hoạt, hội họp thường xuyên của các cán bộ cách mạng ở xã, huyện và tỉnh để bàn bạc trao đổi, phổ biến các nhiệm vụ, chủ trương của Đảng.

Chùa Chrôi Tansa không chỉ là không gian thiêng liêng, giàu tính văn hóa tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer trong khu vực Bãi Xào Giữa - Kim Sơn. Từ kiến trúc cổng chùa, chính điện đến các công trình như sa la, tăng xá… đều mang tính nghệ thuật cao và bố cục hài hòa trong khuôn viên chùa. Mỗi công trình đều là một chỉnh thể mỹ thuật hoàn hảo nó chứa đựng triết lý sâu sắc với trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay điêu luyện của người nghệ nhân Khmer. Những họa tiết hoa văn cho đến cách tạo các pho tượng để thờ. Mái chính điện cũng như những họa tiết, hoa văn của từng công trình đều mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
 
Mặt khác, các công trình kiến trúc nghệ thuật trong khuôn viên chùa còn là một bảo tàng hoàn hảo cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần, giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Khmer. Nơi đây, còn bảo tồn chữ viết Khmer, góp phần xóa mù chữ, nâng cao dân trí, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà và là nơi giữ được môi trường sinh thái tự nhiên trong thời kỳ môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay.